Ăn buffet thế nào để không tăng đường huyết
2025-01-14 HaiPress
Chuyên viên Nguyễn Thị Thu Huyền,khoa Dinh dưỡng Tiết chế,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội,cho biết đường máu tăng sau ăn là bình thường,xảy ra do cơ thể hấp thụ glucose từ thức ăn. Ở người khỏe mạnh,lượng đường trong máu tăng lên tạm thời. Tuyến tụy kích hoạt tiết hormone insulin ngay lập tức để vận chuyển glucose từ máu vào tế bào,từ đó lượng đường máu dần ổn định.
Ở người bệnh tiểu đường,thời gian lượng đường trong máu tăng đột biến kéo dài. Lượng insulin tiết ra không đủ để làm nhiệm vụ giảm lượng glucose đang tăng cao. Insulin được cung cấp thêm từ bên ngoài cần nhiều thời gian hơn để bắt đầu có tác dụng so với insulin do cơ thể sản xuất tự nhiên.
Những khác biệt về hormone ở người bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến tốc độ tiêu hóa. Người không có tế bào beta chức năng không thể sản xuất hormone amylin để làm chậm quá trình tiêu hóa,giảm lượng glucose trong máu sau ăn.
Tiệc buffet phục vụ đa dạng món ăn nhằm đáp ứng sở thích của mọi thực khách. Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết,ăn nhiều thực phẩm có thể gây tăng đột ngột đường máu,dẫn tới biến chứng ở tim,mắt,thận... Chuyên viên Huyền gợi ý một số cách giúp người bệnh tiểu đường ăn buffet có lợi cho sức khỏe.
Ưu tiên thức ăn giàu chất xơ
Người bệnh tiểu đường nên theo dõi thực đơn để xem các món ăn sẵn có và lựa chọn phù hợp với chế độ ăn kiêng. Những món có chỉ số glycemic thấp (GI thấp) có khả năng giải phóng glucose vào máu chậm,ổn định mức đường huyết. Chất xơ có trong món ăn từ rau củ,đậu,ngũ cốc nguyên hạt như salad,súp,lẩu rau chứa ít nước béo... tạo cảm giác no lâu. Chất xơ cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu,từ đó ngăn ngừa đường huyết tăng vọt. Loại dưỡng chất này cũng duy trì hệ vi sinh đường ruột,tăng nhu động ruột.
Các loại rau có lá màu xanh đậm,vàng đậm như rau lang,rau muống,rau cải,bông cải xanh,súp lơ,cà rốt,ớt chuông vàng... chứa ít calo và giàu chất xơ. Tuy nhiên cần tránh sử dụng salad chứa nước sốt có nhiều calo,thay vào đó nên chọn dầu ôliu và giấm. Lấy đầy 1/2 đĩa thức ăn với các loại rau củ.
Chọn món giàu protein trước khi ăn tinh bột
Người bệnh tiểu đường nên dùng món giàu protein như thịt nạc,hải sản,trứng,đậu phụ trước để ổn định mức đường huyết,loại bỏ da động vật trước khi ăn. Ăn lượng vừa đủ,khoảng 1/4 đĩa thức ăn là protein để tránh đầy bụng,khó tiêu.
Hạn chế món ăn nhiều tinh bột
Các món chứa nhiều tinh bột (carbohydrate) như cơm trắng,mì,khoai tây chiên,bánh mì... có thể làm tăng mức đường huyết nhanh chóng. Khi tham gia tiệc buffet,người bệnh tiểu đường nên tránh ăn quá nhiều,nhất là món chứa tinh bột đã qua chế biến. Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp,nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt (quinoa,gạo lứt,yến mạch...),rau và loại đậu giúp giảm tốc độ hấp thụ đường vào máu,đường huyết không bị tăng đột ngột.
Trung bình người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn mỗi bữa khoảng 30-45 g carbohydrate,tương đương một chén cơm vừa lòng bàn tay hoặc hai lát bánh mì sandwich mềm.
Hạn chế chọn thực phẩm chứa nhiều tinh bột giúp đường huyết không tăng đột ngột. Ảnh minh họa: Phương Khanh
Chọn món luộc,hấp,nướng thay vì chiên rán
Thực phẩm chiên rán,thịt tẩm bột hoặc nấu với nước sốt đặc thường chứa nhiều cholesterol,chất béo bão hòa,tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Chọn các món nguyên chất được chế biến bằng phương pháp hấp,luộc hoặc nướng.
Hạn chế món ăn chứa nhiều muối như thịt xông khói,gà muối,hải sản nướng muối ớt,xúc xích,lạp xưởng... Nạp quá nhiều muối có thể khiến tế bào giảm độ nhạy với insulin,tăng nguy cơ kháng insulin. Đây là tình trạng các tế bào trong cơ thể không phản ứng đúng với hormone này. Người bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ bị huyết áp cao,nạp nhiều muối dễ kéo theo bệnh lý khác như đột quỵ,suy thận,phù nề tay chân.
Kết hợp các món ăn hợp lý
Người bệnh tiểu đường cần ăn thực phẩm chỉ số đường huyết thấp (GI dưới 55) hoặc rất thấp (GI dưới 40). Khẩu phần ăn nên kết hợp một lượng nhỏ protein,carbohydrate giàu chất xơ,chất béo để làm chậm quá trình tiêu hóa.
Ăn từng phần nhỏ
Để kiểm soát đường huyết hiệu quả,người bệnh tiểu đường cần ăn từng phần nhỏ,giảm nguy cơ tiêu thụ nhiều calo và tinh bột. Ăn chậm,nhai kỹ,thưởng thức từ từ để cơ thể tiêu hóa,giúp não bộ nhận diện cảm giác no.
Tránh đồ ngọt
Các món tráng miệng như kem,bánh ngọt... có thể làm tăng nhanh đường huyết. Các món tráng miệng ít đường hoặc dùng trái cây tươi như dưa hấu,táo,dâu tây,việt quất hỗ trợ tình trạng kháng insulin.
Uống đủ nước
Thiếu nước khiến glucose trong máu cô đặc hơn,giảm hiệu quả loại bỏ đường dư thừa qua nước tiểu ở thận,khiến mức đường huyết cao. Uống đủ nước giúp cơ thể không cảm thấy khát,tránh được tình trạng ăn vặt. Tuy nhiên bạn không nên uống quá nhiều khi ăn để tránh loãng dịch vị dạ dày,dẫn đến khó tiêu.
Người bệnh tránh uống đồ uống có cồn như bia,rượu do có thể làm biến động mức đường huyết. Nếu tiêu thụ nhiều còn làm tăng chất béo trung tính (triglyceride),tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch,tổn thương thần kinh ở người đái tháo đường.
Chuyên viên Huyền gợi ý nữ giới chỉ nên dùng một ly rượu một ngày,hai ly đối với nam giới. Năng lượng do rượu mang lại chỉ là năng lượng rỗng,nếu uống lúc bụng đói dễ gây hạ đường huyết. Người bệnh nên tránh các loại nước ngọt,ưu tiên trà thảo mộc hoặc nước ép không đường.
Dùng các loại thức ăn theo thứ tự rau,súp rau,rau trộn,đạm (thịt cá trứng),ăn nhóm bột đường sau món đạm hoặc cùng với nhóm đạm có lợi cho sức khỏe hơn. Người bệnh không nên ăn quá nhiều một bữa và nhịn đói trong bữa ăn kế tiếp do có thể làm đường huyết tăng,hạ đột ngột. Sau bữa tiệc buffet,hãy theo dõi đường huyết chặt chẽ,tăng cường luyện tập thể thao như đi bộ sau khi dự tiệc để kích thích tiêu hóa,điều hòa đường huyết.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp